Nội dung chính
Testosterone là nội tiết tố quan trọng nhất đối với nam giới. Khi nồng độ hormone này suy giảm, nam giới sẽ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe sinh lý. Dựa vào điều này, liệu pháp thay thế testosterone được ra đời, áp dụng cho những trường hợp có triệu chứng suy sinh dục nam. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về lợi ích và rủi ro của phương pháp này nhé!
Liệu pháp thay thế testosterone là gì?
Liệu pháp thay thế testosterone là gì?
Testosterone là hormone được sản xuất chủ yếu tại tinh hoàn. Nó có nhiệm vụ duy trì cảm giác ham muốn tình dục, khả năng cương dương và sản xuất tinh trùng. Bên cạnh đó, nó còn giúp đảm bảo mật độ xương, sự phân phối chất béo trong cơ thể, khối lượng cơ bắp, lông trên cơ thể, sản xuất hồng cầu,…
Sự suy giảm Testosterone sẽ diễn ra và trở nên nghiêm trọng hơn khi tuổi tác tăng lên. Bên cạnh đó, một số vấn đề sức khỏe bẩm sinh và mắc phải cũng có thể khiến nồng độ testosterone trong cơ thể giảm thấp, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy.
Liệu pháp thay thế Testosterone (Testosterone Replacement Therapy – TRT) còn được gọi là liệu pháp thay thế androgen. Liệu pháp này được sử dụng cho nam giới bị thiểu năng sinh dục, khi xét nghiệm nồng độ testosterone dưới 300ng/dl kèm theo các triệu chứng mệt mỏi, phát triển vú và rối loạn chức năng tình dục.
Các liệu pháp thay thế testosterone phổ biến
Về cơ bản, liệu pháp thay thế Testosterone là bổ sung testosterone từ bên ngoài bằng những chế phẩm như:
- Testosterone dạng tiêm là dạng thường được sử dụng và có chi phí thấp nhất. Loại có tác dụng ngắn sẽ được tiêm dưới da hoặc cơ, từ 1 – 2 tuần một lần. Loại có tác dụng dài sẽ được tiêm vào mông với 2 mũi đầu cách nhau 4 tuần và các mũi sau cách nhau 10 tuần.
- Testosterone dạng gel, kem bôi, hoặc miếng dán trên da. Các miếng dán tại chỗ thường được dùng trong vòng 24 giờ, với liều lượng từ 2 – 5mg. Các miếng dán thường gây mất thẩm mỹ và kích ứng da, nhưng ít tác dụng phụ hơn dạng tiêm.
- Testosterone dán má: Miếng dán này sẽ giải phóng testosterone trong hơn 12 giờ và thường chứa khoảng 30 mg. Nam giới cần sử dụng 2 lần mỗi ngày, cách nhau khoảng 12 giờ. Miếng dán có thể gây đau đầu, kích ứng nướu và miệng.
- Testosterone cấy ghép hoặc viên: Viên testosterone làm từ nhựa sẽ được cấy dưới da. Các viên này có tốc độ hòa tan chậm và có thể cung cấp Testosterone trong 3 – 6 tháng.
Testosterone dạng tiêm được dùng phổ biến nhất
Lợi ích của liệu pháp thay thế Testosterone
Liệu pháp thay thế Testosterone sẽ giúp khôi phục nồng độ nội tiết tố này trong cơ thể, từ đó làm giảm các triệu chứng của suy sinh dục nam. Tác dụng lớn nhất của liệu pháp này là giúp tăng ham muốn tình dục, giảm triệu chứng rối loạn cương dương và tăng cảm giác thỏa mãn.
Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy, liệu pháp thay thế Testosterone có thể giúp duy trì mật độ xương, cải thiện khả năng nhận thức và sự chú ý. Tuy nhiên, lợi ích này khá khiêm tốn và thường mất đi sau khi ngừng liệu pháp.
Rủi ro của liệu pháp thay thế testosterone
Mặc dù có lợi ích trên khả năng tình dục, nhưng liệu pháp thay thế testosterone cũng có rất nhiều rủi ro. Ví dụ như:
Gây phì đại tuyến tiền liệt
Phì đại tuyến tiền liệt là một trong những hậu quả do sử dụng liệu pháp thay thế testosterone gây ra. Các nghiên cứu cho thấy, bổ sung testosterone có khả năng làm tăng kích thước tuyến tiền liệt lên đến 12%.
Liên quan đến ung thư vú
Mặc dù không có liên hệ trực tiếp giữa bổ sung testosterone và ung thư vú. Nhưng có một số giả thuyết cho rằng, nồng độ testosterone cao có thể dẫn đến tăng quá trình aromat hóa, tạo ra một dẫn xuất của estrogen, có thể kích thích các thụ thể mô vú và làm tăng nguy cơ ung thư vú ở nam giới.
Ảnh hưởng đến số lượng hồng cầu
Bổ sung Testosterone có thể làm gia tăng lượng huyết sắc tố lên tới 5 – 7%. Mặc dù điều này có tác dụng tích cực với nam giới bị thiếu máu ban đầu, nhưng về lâu dài, nó có thể dẫn đến bệnh đa hồng cầu. Thực tế có đến hơn 20% nam giới điều trị bằng TRT mắc căn bệnh nguy hiểm này.
Tình trạng đa hồng cầu có thể làm tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông. Điều này làm tăng tỷ lệ mắc các biến cố tim mạch, bao gồm đột quỵ, nhồi máu cơ tim và huyết khối tĩnh mạch sâu gây thuyên tắc phổi.
Đa hồng cầu có thể làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối
Chứng ngưng thở khi ngủ
Chứng ngưng thở khi ngủ (OSA) cũng là một rủi ro liên quan đến sử dụng TRT ở nam giới. Mối liên hệ giữa OSA và TRT chưa được tìm hiểu cụ thể. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chứng minh rằng, OSA xảy ra ở nam giới sử dụng liệu pháp TRT và khi ngừng bổ sung Testosterone thì OSA cũng biến mất.
Ảnh hưởng đến khả năng sản xuất testosterone nội sinh
Việc bổ sung testosterone ngoại sinh có thể khiến hoạt động của Vùng dưới đồi – Tuyến yên – Tinh hoàn bị ảnh hưởng. Quá trình giải phóng gonadotropin tại vùng dưới đồi bị giảm sút. Điều này cũng khiến cho việc giải phóng hormone LH và FSH của tuyến Yên bị suy giảm theo. Trong khi đó, LH và FSH có tác dụng kích thích tế bào Leydig ở tinh hoàn sản xuất testosterone nội sinh.
Hy vọng, bài viết trên đây đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích về rủi ro và lợi ích của liệu pháp thay thế testosterone. Nếu cần được tư vấn về các vấn đề sức khỏe, bạn hãy liên hệ tới hotline 1800.1044. Cảm ơn bạn đã dành thời gian theo dõi!
XEM THÊM:
- Rối loạn chức năng tình dục ở nam giới là gì? Khắc phục như thế nào?
- Tinh dịch màu vàng có nguy hiểm không?
Mời các bạn xem giấy phép của Bộ y tế TẠI ĐÂY